Monday, August 22, 2005

Đánh dấu đồng vị phóng xạ để khảo sát các mỏ dầu



Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã vượt qua các nhà thầu quốc tế và được chọn để thực hiện một công nghệ quan trọng trong khai thác dầu khí ở mỏ Sư Tử Đen. Đó là ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ để khảo sát các mỏ dầu. Đây là một ứng dụng rất có ý nghĩa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam và lợi ích kinh tế mang lại từ cách ứng dụng khoa học này là không nhỏ. Ở một mỏ dầu đang được khai thác thì bên cạnh các giếng dầu bao giờ cũng có những giếng bơm ép nguồn nước xuống để đẩy dầu lên

Tiêu chuẩn đưa ra: cứ 1-2 lít nước phải thu được một lít dầu nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng đạt được. Nhiều trường hợp phải tốn nhiều giếng bơm ép nhưng lượng dầu thu được không nhiều. Có nhiều cách để thăm dò mỏ dầu nhưng cho đến nay, kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ vẫn được xem là có ưu thế nhất. Một lượng rất nhỏ chất đồng vị được đưa vào các giếng bơm ép, chúng được dẫn xuống các giếng dầu. Ở những vị trí khác, các nhà khoa học lấy mẫu nước. Qua phân tích, họ sẽ biết được đường đi của dầu trong khu mỏ. Cách làm này cung cấp thông tin về mỏ dầu - vấn đề quan trọng nhất đối với ngành khai thác dầu khí. Kỹ thuật này đã được các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện thành công từ năm 2000 với sự trợ giúp của các nhà khoa học thế giới, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.

Sau khi thực hiện ở mỏ Bạch Hổ, công nghệ đánh dấu đồng vị phóng xạ tiếp tục được thực hiện ở mỏ Rạng Đông và mới đây, vượt qua 5 công ty quốc tế, các nhà khoa học Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã được chọn để thực hiện kỹ thuật tại mỏ Sư Tử Đen. Điều này không chỉ giúp cho ngành dầu khí có được công nghệ phù hợp với đặc thù vùng mỏ Việt Nam, thu được những lợi ích kinh tế mà quan trọng hơn, nó đã khẳng định một bước tiến của khoa học năng lượng nguyên tử nước ta.

Theo tính toán của các nhà khoa học, nguồn lợi từ việc ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ mang lại khoản lợi ở mỗi giếng dầu từ 10-15 triệu USD. Khoản lợi ấy còn lớn hơn khi chính các nhà khoa học Việt Nam thực hiện được công nghệ này. Nếu so với nhiều nước khác, những thành công của khoa học năng lượng nguyên tử ở Việt Nam là chưa nhiều, nhưng với cách đi đúng hướng, một số kết quả nghiên cứu ứng dụng hạt nhân đã được áp dụng có hiệu quả cao vào sản xuất và đời sống.

(Nguồn: TN&MT)

Khí than nguồn năng lượng nhiều hứa hẹn



Các chuyên gia năng lượng quốc tế dự báo, trong tương lai gần, khí than sẽ trở thành nguồn năng lượng quan trọng và hấp dẫn ở nhiều quốc gia. Và ở Việt Nam, bước đầu đã có những đề tài khoa học nghiên cứu sử dụng khí than, đặt nền móng cho việc khai thác nguồn năng lượng này.

Khí than có nguồn gốc từ than đá, là khí đốt tự nhiên được tạo thành trong quá trình hoạt động của vi sinh biến đổi than bùn thành than đá dưới tác động của nhiệt và áp suất. Một phần lượng khí này thoát vào không khí, phần còn lại tích tụ trong các lỗ rỗng của vỉa than, đất đá ở xung quanh vỉa than và hấp thụ trong than. Thành phần chủ yếu trong khí than là khí metan (CH4), thường chiếm khoảng 94 - 95%, phần còn lại gồm etan, propan, butan, pentan, nitơ, cacbonđioxit, một ít lưu huỳnh (hoặc có thể không chứa lưu huỳnh). Vì thế, khí than có thể được đưa vào ống dẫn để cung cấp trực tiếp cho các hộ tiêu thụ.

Metan rất dễ cháy trong không khí và có thể nổ. Tuy nhiên, metan chỉ nổ khi nồng độ của nó trong không khí đạt từ 5 - 6% đến 14 - 16% và gặp lửa. Đặc biệt nó nổ mạnh nhất khi nồng độ đạt 9,5%. Còn khi lượng metan đã lớn hơn 16%, thì hỗn hợp khí chứa metan không nổ mà chỉ duy trì sự cháy trong điều kiện có lửa và ô xy.

Từ những năm 1980 về trước, các nhà khoa học và doanh nghiệp khai thác than vẫn cho rằng khí than là nguồn khí mỏ có hại, gây nhiều tai nạn cháy nổ trong khai thác than hầm lò. Công việc nghiên cứu khí than ở giai đoạn này chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ an toàn cho người và hầm lò.

Đến nay quan niệm này vẫn còn đang khá phổ biến ở nhiều nước, mặc dù sau năm 1980, Viện nghiên cứu khí đốt của Mỹ đã nghiên cứu thành công dùng khí than như loại năng lượng và theo đó đã tiến hành khai thác công nghiệp. Đến năm 2000, khi thị trường khí đốt của Mỹ tiêu thụ khoảng 6.653 tỷ m3 và tăng lên 15% trong năm 2002 thì trong đó phần đóng góp của khí than đã là 7%.

Trên thế giới, các tầng chứa khí than đã được phát hiện ở khắp nơi. Tập trung nhiều nhất là ở các nước có trữ lượng than lớn như Canađa, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Anh, Đức, Nga, Ukraina, Nam Phi, Inđônêxia... Sau Mỹ, việc khai thác và sử dụng khí than hiện cũng đã trở nên phổ biến ở nhiều nước tại Trung Quốc, nước có trữ lượng than rất lớn (khoảng 4.000 tỷ tấn), được đánh giá là có nguồn khí than khổng lồ, đã được Chính phủ hết sức quan tâm đầu tư nghiên cứu và thành lập Tổng công ty khí than để thống nhất quản lý nguồn tài nguyên này từ 10 năm nay.

Ở Ôxtrâylia, việc khai thác khí than đang được thực hiện tới những vỉa than sâu 100 mét. Hàng năm thu được hàng trăm triệu mét khối khí, sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất điện và các nhu cầu sinh hoạt ở các mỏ. Tại Đức, ba tập đoàn năng lượng lớn của nước này vừa thành lập một công ty liên doanh có tên Minegas GmbH với mục đích khai thác khí metan tại các mỏ than đã ngừng khai thác để sản xuất điện và nhiệt sưởi. Liên doanh này cũng đã lên kế hoạch xây dựng những nhà máy điện chạy bằng khí than có tổng công suất 50 MW.

Trong khu vực ASEAN, từ 5 năm nay, Inđônêxia cũng đã nghiên cứu khí than trên quy mô quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho biết, quốc đảo này đang sở hữu một lượng khí than rất lớn. Chỉ tính riêng tiềm năng ở 11 bồn trũng chứa than được nghiên cứu, đã có trữ lượng tương đương với 2/3 nguồn tài nguyên khí than của nước Mỹ.

Theo các chuyên gia năng lượng quốc tế, khí than là một loại nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn so với dầu mỏ và than đá. Việc khai thác khí than không làm tổn hại đến trữ lượng than đá mà còn loại trừ được mối nguy cơ gây cháy nổ nguy hiểm đối với các mỏ than, giảm thiểu khả năng gây hiệu ứng nhà kính...

Hiện nay, theo như các tài liệu đã công bố, Việt Nam có trữ lượng than đã (vùng Quảng Ninh) vào khoảng 5 tỷ tấn. Hàm lượng khí than ở các mỏ than này là khá cao, từ 4 đến 10 m3/tấn than. Tại vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là miền võng Hà Nội, trong quá trình thăm dò dầu khí đã phát hiện ở tất cả các bồn trầm tích đều gặp các lớp than (mà chủ yếu là than nâu), phân bổ tới độ sâu hơn 2.500 mét. Ước tính có trữ lượng khoảng hơn 200 tỷ tấn.

Số liệu về khí than ở miền võng Hà Nội còn ít, nhưng cũng đã cho chúng ta những thông tin lý thú. Chẳng hạn, tại giếng khoan số 1 (Tiên Hưng) có 4 vỉa than (từ độ sâu 1.460 mét đến 1.530 mét), tất cả đều có khí.

Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích lượng khí hấp thụ trong than, và thấy có trung bình 12 m3 khí/tấn than (có lúc lên tới 16 m3 khí/tấn than).

PGS. Trần Ngọc Toản (nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam) nhận xét: Với những thông tin dù còn ít ỏi, đã có thể cho phép chúng ta tin tưởng rằng than Việt Nam cũng có thuộc tính chứa khí than, ít nhất thì cũng ngang bằng với than ở các bồn trầm tích Nam Trung Quốc và Inđônêxia. Nếu cho rằng hàm lượng khí than ở miền võng Hà Nội chỉ đạt mức 3 m3/tấn than, thì riêng khu vực Khoái Châu đã có trữ lượng lên đến 30 tỷ m3 (trong khi mỏ khí Lan Tây - Lan Đỏ được phát hiện là lớn nhất hiện nay trữ lượng ước tính cũng chỉ có khoảng 60 tỷ m3).

Ở Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Công nghiệp đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ mỏ thực hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ thu hồi và sử dụng khí metan từ các vỉa than vào mục đích kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường".

Có thể nói, đó là bước đặt nền móng hứa hẹn tới khai thác và sử dụng khí mỏ như một nguồn năng lượng, sẽ đến trong tương lai.

(Nguồn: CNHC)

Định hướng phát triển công nghệ trong công nghiệp than


Mười năm qua, nhờ chú trọng đổi mới công nghệ trong khai thác, sàng tuyển than, đổi mới tổ chức và quản lý theo cơ chế mới do Đảng và Nhà nước ban hành, sản lượng than tiêu thụ đã tăng từ 6,0 triệu tấn năm 1994 lên 18,8 triệu tấn năm 2003.

Nhận thức sâu sắc rằng khoa học, công nghệ đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp Tổng công ty Than Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong công nghiệp than. Dưới đây xin nêu một số hướng chính.

1. Đổi mới công nghệ trong thăm dò, khai thác, sàng tuyển than

1.1. Trong thăm dò than

- Trong thăm dò than: sử dụng công nghệ địa chấn, công nghệ khoan hiện đại vừa lấy mẫu than, mẫu đá vừa phân tích được mẫu nước, mẫu khí.

- Trong lập bản đồ: sử dụng công nghệ trắc địa ảnh hàng không để chụp ảnh vùng mỏ, vẽ bản đồ (đang thực hiện năm 2004), công nghiệp GPS để đo vẽ cập nhật tại mỏ.

- Sử dụng công nghệ địa thống kê để tính toán trữ lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất (để làm từ 1997).

1.2. Trong khai thác than hầm lò

Hướng chủ đạo là đẩy mạnh cơ giới hoá quá trình đào chống lò khai thông, mở vỉa, lò chuẩn bị sản xuất và cơ giới hoá đồng bộ trong khai thác lò chợ.

- Trong đào chống: (1) áp dụng đồng bộ thiết bị khoan, xúc, vận tải trong đào lò đá theo phương châm "khoan sâu bắn nặng" hoặc (2) sử dụng máy liên hợp đào lò đá (AM - 75, AM - 100) với dây chuyền vận tải đồng bộ, (3) sử dụng máy đào lò liên hợp (AM - 45, AM - 50) với dây chuyền vận tải đồng bộ, (4) bắt buộc sử dụng vì neo, bê tông phun trong các đường lò đá mà điều kiện địa chất và điều kiện mỏ - kỹ thuật cho phép: sử dụng vì neo trong các đường lò than mà điều kiện cho phép.

- Trong các lò khai thác:

+ Sử dụng cột thuỷ lực đơn đi cùng khoan nổ mìn hoặc máy khấu liên hợp trong các vỉa than dày đến 2,5m; độ dốc đến 35o, công suất lò chợ 100 - 150 ngàn tấn/năm.

+ Sử dụng giá thuỷ lực di động trong các vỉa than dày trên 2,5m có độ dốc đến 45o theo cách chia lớp dọc (có thể chia 2 lớp khấu trong vỉa dày đến 15m) hoặc chia lớp ngang nghiêng (ở các vỉa dày dốc), công suất lò chợ 150 - 300 ngàn tấn/năm.

+ Sử dụng hệ thống khai thác cơ giới đồng bộ trong lò chợ (dàn chống tự hành, máy khấu liên hợp, vận tải liên tục) trong các vỉa dày 1,5 - 7,0 m (có thể dày hơn) với công suất lò chợ 300 - 1000 ngàn tấn/năm.

+ Sử dụng thuốc nổ nhũ tương an toàn đối với khi nổ và bụi nổ.

+ Sử dụng hệ thống tự động cảnh báo khí mêtan, công nghệ tháo khí mêtan (Mạo Khê) và khoan thăm dò đi trước (tháo khí, tháo nước).

1.3. Trong khai thác than lộ thiên

- Hướng chính trong khai thác than lộ thiên là (1) sử dụng đồng bộ ôtô, máy xúc lớn (ô tô 50 - 100 tấn hoặc lớn hơn) thay thế dần ô tô - máy xúc cỡ nhỏ, (2) sử dụng máy cày ủi công suất lớn (D10R ở Núi Béo) thay thế một phần công tác khoan nổ mìn và tạo ra mặt tầng phẳng hơn, (3) khoan xoay cầu đường kính 200 - 300 mm tốc độ cao kết hợp với các khoan có đường kính nhỏ hơn, (4) sử dụng máy xúc thuỷ lực cùng xe lúc lắc (khung mềm) để đào sâu đáy mỏ, chỉ bóc tách than khỏi vỉa bằng máy xúc thuỷ lực gàu ngược (vỉa mỏng đên 0,3 m(, (5) sử dụng thiết bị hiện đại làm đường mỏ, (6) sử dụng bơm bùn đặt trực tiếp dưới đáy moong (Hà Tu), (7) sử dụng thuốc nổ ANFO và nhũ tương để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm.

- Bên cạnh định hướng trên đã triển khai nghiên cứu sử dụng bãi thải trong, bãi thải tạm thời - luân chuyển trong lòng moong, sử dụng trục tải ở các mỏ xuống sâu (giảm bớt cung độ vận chuyển đất, than).

1.4. Trong sàng tuyển than

Nhu cầu sử dụng than cục, than cám tốt (1,2) đang tăng cao do đó chủ trương của Tổng công ty Than là nâng cao hiệu quả của ba nhà máy tuyển hiện có, xây dựng thêm ba nhà máy tuyển mới (Uông Bí, Khe Chàm, Lép Mỹ) với công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng và nâng cao giá trị hòn than.

1.5. Trong xử lý nước thải mỏ

Áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải mỏ thành nước công nghiệp và/hoặc nước sinh hoạt.

2. Đổi mới cơ chế quản lý công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới

Tổng công ty Than vừa ban hành quy chế mới (thay quy chế cũ) theo hướng khuyến khích tối đa các hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến; gắn kết các cơ quan nghiên cứu khoa học với các đơn vị sản xuất; sử dụng hợp lý, có hiệu quả Quỹ nghiên cứu khoa học theo phương thức có vay - có trả. Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã lập kế hoạch chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ.

Đổi mới công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, áp dụng công nghệ mới là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng công ty Than Việt Nam, động lực quan trọng thúc đẩy tăng năng suất, tăng sản lượng và đặc biệt là tăng mức độ an toàn và cải thiện môi trường.

(Nguồn: KHCN Mỏ)

Ngành Than Việt Nam: Mở rộng áp dụng công nghệ cơ giới hoá khai thác than hầm lò

Trong những năm tới, khai thác than hầm lò cần được đặc biệt phát triển, nhằm tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu than cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc hoàn thiện công nghệ khai thác thủ công với phương pháp khấu than, khoan nổ mìn, Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) cần đổi mới công nghệ khai thác các mỏ than hầm lò theo hướng áp dụng các loại hình công nghiệp cơ giới hoá khấu than, đào lò, chống giữ lò chợ và vận tải... Đây là đòi hỏi cấp bách và hiện đại hoá thành than.

Mục tiêu của các dự án cơ giới hoá là đầu tư mới trang thiết bị công nghệ, cơ giới hoá trên cơ sở sử dụng lại tối đa cơ sở hạ tầng hiện có tại các mỏ, nhằm tăng sản lượng than khai thác lò chợ, tăng năng suất lao động trực tiếp, giảm giá thành khai thác than, nâng cao độ an toàn lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân hầm lò.

Với hiện trạng chuẩn bị của khu vực khai thác thử nghiệm, khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản bổ sung không lớn, vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào trang thiết bị cơ giới hoá. Hình thức đầu tư được lựa chọn là đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị.Vốn đầu tư bao gồm vốn vay ngân hàng đầu tư phát triển và lãi sản xuất than để tái đầu tư.

Chương trình sản xuất các dự án tiến hành áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hoá tại các khu vực có điều kiện đại chất - kỹ thuật mỏ phù hợp, đảm bảo khai thác đến thời điểm hết khấu hao toàn bộ dây chuyền vật tư thiết bị (7, 8 năm). Sản lượng than khai thác trong quá trình áp dụng thử nghiệm được tiêu thụ theo kế hoạch chung của toàn công ty.

Từ năm 2002, lò chợ cơ giới hoá đầu tiên của ngành Than Việt Nam tại Khe Chàm đã được thử nghiệm thành công và đi vào hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Trên cơ sở những kinh nghiệm đúc rút trong quá trình thực hiện cơ giới hoá ở Khe Chàm, đánh giá tình hình phát triển công nghệ cơ giới hoá khai thác và các khu vực có khả năng áp dụng tại các mỏ than hầm lò. TVN đã xây dựng các dự án cơ giới hoá tiếp theo với các sơ đồ công nghệ khai thác và đồng bộ thiết bị được xác định và lựa chọn như sau:

Về sơ đồ công nghệ

- Sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo phương, khấu toàn bộ chiều dày vỉa áp dụng cho vỉa mỏng đến dày trung bình tại Khe Chàm, Mạo Khê, Nam Mẫu, Dương Huy và Xí nghiệp 86;

- Sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo phương, hạ trần than nóc áp dụng cho vỉa dày tại Hà Lầm;

- Sơ đồ công nghệ khai thác chia lớp nghêng có lớp ngăn cách nhân tạo giữa các lớp khấu áp dụng cho vỉa dày tại Nam Mẫu, Mạo Khê;

- Sơ đồ công nghệ khai thác chia lớp nghiêng, lớp vách khấu than trải lưới, lớp trụ hạ trần than lớp giữa áp dụng cho vỉa dày Nam Mẫu.

Về đồng bộ thiết bị:

Trong các sơ đồ công nghệ khai thác trên, dây chuyền thiết bị cơ giới hoá được lựa chọn phù hợp với điều kiện địa chất kỹ thuật các khu vực khai thác và khả năng cân đối tài chính, hiệu quả sử dụng;

- Thiết bị khâu than bằng máy khấu combai, chống giữ gương khai thác bằng giá thuỷ lực áp dụng cho Mạo Khê, Nam Mẫu, xí nghiệp 86 và Dương Huy;

- Thiết bị khâu than bằng máy khấu combai, chống giữ gương khai thác bằng các dàn chống tự hành áp dụng cho Khe Chàm.

- Thiết bị khâu than bằng máy khấu combai, chống giữ gương khai thác bằng các dàn chống tự hành có kết cấu hạ trần than nóc áp dụng cho Hà Lầm...

Địa điểm thực hiện các dự án áp dụng cơ giới hoá khai thác

1. Dự án áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hoá khấu than tại Xí nghiệp Than Nam Mẫu - Công ty Than Uông Bí;

2. Dự án áp dụng thử nghiệm cơ giới hoá khai thác lò chợ ngắn tại vỉa 10 Công ty Than Hà Lầm.

3. Dự án áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác cơ giới hoá đồng bộ bằng máy khâu combai, kết hợp dàn chống tự hành tại Công ty Than Khe Chàm.

4. Dự án áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác bằng máy khấu combai kết hợp giá thuỷ lực di động tại Công ty Than Dương Huy.

5. Dự án áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác bằng máy khấu combai kết hợp giá thuỷ lực di động tại Xí nghiệp Khai thác than 86 - Công ty Đông Bắc.

6. Dự án áp dụng thử nghiệm cơ giới hoá khai thác gương lò chợ ngắn trong điều kiện vỉa dày dốc tại cụm vỉa 13 và 14 Núi Khánh, Xí nghiệp Than Hà Ráng Công ty Than Hạ Long.

7. Dự án áp dụng thử nghiệm cơ giới hoá khai thác bằng máy khấu combai cho lò chợ tầng 80 - 25 Cánh Bắc, Công ty Than Mạo Khê.

(Nguồn: TCCN)

Công nghệ mới kỷ nguyên bùng nổ khí đốt


Với tốc độ chớp nhoáng, tại Mỹ vừa xuất hiện 11 nhà máy điện chạy bằng khí đốt siêu hiện đại nhằm thay thế những nhà máy điện chạy dầu từ lâu đã trở thành phổ biến ở quốc gia này.

Đó là sự khởi đầu thời đại khí đốt trong ngành năng lượng Mỹ. Đó cũng là khởi đầu sự cáo chung của thời đại dầu hỏa, ít nhất là trong ngành năng lượng. Dầu hỏa sẽ chỉ còn trị vì một thời gian độc nhất trong ngành giao thông, bởi xăng dầu hiện thời vẫn là nhiên liệu động cơ đốt trong tốt và rẻ nhất. Nhờ khí đốt, thế giới sẽ tự giải phóng dần ra khỏi sự lệ thuộc vào OPEC. Chìa khóa đảm bảo phản ánh phổ cập thành công của khí đốt ẩn giấu trong 3 chữ, mà ngày nay đã thành câu nói thường nhật từ Niu-oóc đến Tokyo. Đó là LNG (Liquefied Natural Gas), tức khí đốt làm lạnh xuống -160oC, được hóa lỏng và sẵn sàng "đóng gói'' (ở dạng này, khí đốt có khối lượng thu nhỏ xuống mức chỉ bằng 1/600 khối lượng tự nhiên của nó).

Sẽ không cần phải xây dựng đường ống dẫn dầu tốn kém, và khí đốt có thể đưa đến bất cứ địa điểm nào trên trái đất. Phương pháp ''đóng gói'' này đã được nghiên cứu từ những năm 60, thế kỷ trước, song mãi đến bây giờ người ta mới giảm được một nửa chi phí sản xuất và khiến việc vận chuyển nó trở thành có lãi. Trong vận hành, toàn cầu đã có 25% khí đốt được vận chuyển bằng phương pháp này. LNG không chỉ là phương án, mà là phương pháp đảm bảo an ninh năng lượng của Mỹ. Tất cả doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng muốn có chỗ đứng trên thị trường trong thế kỷ XXI, ngay từ hôm nay bắt buộc phải đầu tư vào khí hóa lỏng. 50 tỷ đô la đã được đầu tư cho lĩnh vực LNG. Theo tiên đoán của John Gass phó Chủ tịch Chevron Texaco, tập đoàn dầu lửa lớn nhất thế giới, đến năm 2025, như nguồn năng lượng, khí đốt sẽ vượt qua mặt dầu lửa. Điều đó có nghĩa, từ nay đến thời điểm đó, lượng tiêu thụ khí đốt trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi!

Mối tình Nga - Mỹ

Gíữa tháng 9 năm 2003, đoàn đại biểu tập đoàn khí đốt lớn nhất nước Nga và thế giới Gazprom với đích thân Ông chủ tịch đặt chân tới Oa-sinh-tơn. Sau khi trở về Matxcơva, Ông Chủ tịch Gazprom tuyên bố rằng, người Mỹ sẽ là cổ đông của Gazprom. Người Mỹ sẽ góp 10 tỷ USD để xây dựng nhà máy LNG ở Mumanscơ. Xí nghiệp sẽ chế biến khí đốt từ mỏ Sztokmanốpcơ (trên biển Ba ren) Phó chủ tịch Gazprom tiết lộ, theo kế hoạch, phía Nga sẽ mua tầu vận chuyển khí đốt sang Mỹ. Ngay bây giờ, dự trữ của bản thân và lượng khí đốt nôâjp khẩu từ Canada đã không đủ đáp ứng nhu cầu của Mỹ. Chỉ 10 năm nữa, Mỹ sẽ trở thành nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới; những đơn đặt hàng mới chủ yếu thực hiện theo công nghệ LNG. Hiện nay Mỹ nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ mét khối LNG, trong 15 năm tới, con số này sẽ tăng gấp 20 lần! Chỉ tính thời gian từ 2007 đến 2010, phía Mỹ sẽ xây dựng 4 cầu để tiếp nhận các tầu chở khí hóa lỏng. Cầu tầu đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng ngay trong năm 2007, tại vịnh Mêhicô.

Mối quan tâm đến công nghệ LNG của người Mỹ đồng nghĩa với việc bắt đầu những khoản đầu tư khổng lồ trên toàn thế giới. Angiêri, quốc gia sản xuất LNG lớn nhất (25 triệu tấn/năm) đang gia tăng công suất sản xuất. Mùa hè năm 2003 IRan bắt đầu xây dựng nhà máy với công suất 8,6 triệu Tấn/năm. Tập đoàn liên doanh Anh - Hà Lan Shell đầu tư 10 tỷ USD cùng với các tập đoàn Nhật bản Mitsui và Mitsubishi triển khai dự án Xa-kha-linII. Đó là danh mục đầu tư nước ngoài vào Nga lớn nhất. Sản xuất LNG ở Xa-kha-lin bắt đầu vào năm 2007 và sẽ được tiếp tục tối thiểu 30 năm sau. Với tư cách hãng sản xuất LNG lớn nhất hiện nay (9 triệu tấn/năm), Shell còn đầu tư vào Oxtrâylia (chung với Chevron Texaco); những hãng ở đó đã có hợp đồng bán cho Mỹ 4 triệu tấn LNG/năm, bắt đầu từ năm 2008. Tiếp theo, nhờ đầu tư của Exxon Mobil và Quatar Petroleum (trị giá 8 tỷ USD) từ năm 2009, mỗi năm nước Mỹ sẽ nhập khẩu 15,6 triệu tấn LNG. Những nhà sản xuất khí đốt khổng lồ khác, thí dụ - British Gas cũng đầu tư vào LNG (Ai Cập, Inđônêxia và Triniđat).

Chia tay với dầu lửa?

Đó là sự khởi đầu của cuộc cách mạng khí đốt thực sự - TS Daniel Yergin chủ tịch Cambridge Energy Reseach Associates, một trong những trung tâm nghiên cứu thị trường năng lượng quan trọng nhất ở Mỹ, tác giả cuốn sách đăng quang giải thưởng báo chí Pulizer "Trận chiến tìm kiếm dầu lửa, tiền và quyền lực" khẳng định. Ba năm trước Yergin từng tuyên bố rằng, vai trò thống trị thế giới của dầu lửa sẽ còn kéo dài vài ba chục năm nữa. Bây giờ Yergin đã thay đổi quan điểm. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC đối tượng điều khiển giá cả trên thị trường thế giới có lý do để lo lắng. Nỗi lo càng lớn hơn, khi biết rằng, các mỏ khí đất mới tìm thấy trên thế giới đều có trữ lượng khổng lồ. Theo tạp chí chuyên ngành ''World Oil'', riêng những mỏ đã điều tra đã có trữ lượng khoảng 166 ngàn tỷ mét khối. Để so sánh TS. Yergin ước tính: - Nếu các mỏ dầu lửa trên thế giới sẽ cạn sau 30 năm nữa, thì các mỏ khí đốt - sau 60 năm. Cũng theo Yergin, ''A rập Xe-út khí đốt'' chính là LB Nga, nơi tập trung 34% trữ lượng nguyên liệu này của thế giới. Quatar và I Ran cũng có những mỏ vĩ đại (cả hai chiếm 32% trữ lượng thế giới). Na Uy, Inđônêxia, Nigiêria và Angola cũng có dự trữ to lớn. Hiện nay thế giới sản xuất khoảng 2,5 ngàn tỷ mét khối khí đốt năm; trong đó Mỹ tiêu thụ 25 %, Tây Âu - 17%, Nga - 15%, Nhật và Ôxtrâylia - 12%. Tại cuộc gặp thượng đỉnh OPEC tháng 12 năm 2003 người ta cũng bàn đến việc thành lập cacten - tổ chức sẽ nắm quyền kiểm soát giá khí đốt. Các tỷ phú dầu lửa đã tỏ ra bất lực. Yếu tố địa phương hóa các mỏ khí đốt (ở tất cả các vùng lãnh thổ thế giới) tự nhiên đã loại bỏ khả năng xuất hiện tổ chức theo mô hình OPEC với quyền lực chi phối giá khí đốt trên thị trường thế giới. Điều đó có nghĩa giá cả sản phẩm sẽ do thị trường tự do hình thành, như vậy chắc chắn sẽ rẻ hơn giá xăng dầu.

Nhà máy điện chạy bằng khí đốt gia đình

Ngoài giá cả xăng dầu do PEC nâng cao một cách giả tạo, nhu cầu điện ngày càng gia tăng sẽ khiến cho khí đốt càng ố cơ may phát triển. Mức tiêu thụ điện gia tăng cùng với tốc độ gia tăng GDP, nếu GDP tăng 3%, mức tiêu thụ điện sẽ tăng trung bình 2%. Tại các quốc gia đang phát triển, chỉ số này còn cao hơn nhiều (thí dụ - ở Trung Quốc, mức tiêu thụ điện gia tăng với tốc độ gần 20%/năm). So với xăng dầu và than đá, khí đốt là nhiên liệu ít gây tác động tiêu cực tới môi trường hơn (trong quá trình cháy, khí đốt thải ra lượng oxit lưu huỳnh thấp hơn 25% so với xăng dầu và 50% thấp hơn so với than đá) nên sẽ dễ được sử dụng để sản xuất điện năng. Những công nghệ mới này sẽ còn kích thích nhu cầu sử dụng khí đốt. Tua bin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) rẻ hơn, không phá hủy môi trường và thời gian xây dựng, lắp đặt rất ngắn. Thậm chí các thị trấn nhỏ cũng có thể dễ dàng xây dựng nhà máy điện theo công nghệ này. Theo dự báo, chỉ đến thập kỷ sau, nhà máy điện với tua bin CCGT sẽ thay thế dần các nhà máy điện truyền thống hiện hành.

(Nguồn: TTQLNĐ)

Công nghệ khí hoá than ở Trung Quốc


Đặc điểm than của Trung Quốc là lưu huỳnh cao (1,1%) tro than tương đối lớn. Ở vùng Tây Bắc 60% than nguyên khai có hàm lượng lưu huỳnh lớn hơn 2%.

Khí hoá than là con đường quan trọng của sử dụng than sạch

Tỷ lệ than Trung Quốc đưa vào tuyển thấp, khoảng 80% than nguyên khai được đốt trực tiếp. Đốt than thải ra một lượng lớn bụi và khí có hại, làm cho môi trường sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo tài liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy lượng ô nhiễm hàng năm thải ra không khí của Trung Quốc có 80% bụi khói, 87% khí SO2, 67% khí NOx là do đốt than.

Hiệu suất sử dụng than của Trung Quốc thấp, hiệu quả nhiệt quá trình đốt thấp hơn dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, hiệu suất sử dụng bình quân của than chỉ có 29%. Nghiên cứu và mở rộng công nghệ sử dụng tối ưu than là con đường cơ bản để nâng cao hiệu quả sử dụng than. Phát triển công nghiệp khí hoá than là biện pháp quan trọng để giảm bớt ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng phát triển công nghiệp. Tài nguyên than của Trung Quốc hết sức phong phú, thích hợp cho khí hoá than. Hơn 40% tổng trữ lượng than của Trung Quốc là than nâu, than không dính kết, than lửa dài và than dính kết yếu thích hợp cho lò sinh khí.

Công nghệ khí hoá than, đặc biệt là công nghệ khí hoá tầng sôi có thể tích lớn, áp suất cao trên thế giới đã đi vào giai đoạn thương mại hoá, chứng tỏ được lợi ích kinh tế và xã hội rất rõ rệt và đang phát triển. Chính sách tài nguyên năng lượng của Trung Quốc lấy "than thay dầu" để phát triển công nghệ khí đốt trong công nghiệp, thành phố và phát triển các công nghệ liên quan khác. Gần 20 năm nay, nghiên cứu khí hoá than của Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng chú ý.

Phương hướng phát triển và triển vọng công nghệ khí hoá than của Trung Quốc

Công nghệ khí hoá than Trung Quốc đã có lịch sử lâu năm nhưng vẫn tương đối lạc hậu và phát triển chậm. Toàn quốc có gần 100.000 lò khí hoá các loại đang vận hành, trong đó lò khí hoá rắn là nhiều nhất: lò sinh khí huyền phù than UGI ứng dụng trong công nghiệp phân amôniac có tới hơn 4.000 cái; lò sinh khí trong ngành công nghiệp sản xuất khí nhiên liệu có tới gần 5.000 cái, trong đó không kể lò khí hoá hai giai đoạn mới đưa vào hoạt động trong những năm gần đây và lò Lurgi sản xuất phân hoá học và khí than cho các thành phố. Các công nghệ tiên tiến của lò winkler, lò khí hoá tầng sôi U-GAS và lò khí hoá tầng sôi Texaco v.v... phần nhiều dùng cho công nghiệp phân hoá học nhưng số lượng có hạn. Về tổng thể, khí hoá than Trung Quốc lấy công nghệ truyền thống là chủ yếu, công nghệ lạc hậu, công trình tuần hoàn không được hoàn thiện, hiệu suất sử dụng than thấp, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu hiện trạng không thay đổi sẽ ảnh hưởng đến phát triển hài hoà kinh tế, tài nguyên năng lượng và môi trường. Gần 40 năm nay được sự hỗ trợ của Nhà nước trong nghiên cứu phát triển, nhập công nghệ, Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ khí hoá K-T từ cuối năm 50 đến đầu năm 80 của thế kỷ XX; giữa những năm 60 và cuối những năm 70 đã trang bị thử cho huyện Sơn Đông Hoàng và Cau Thảo Lỗ tỉnh Tân Cương trên cơ sở đó đã cung cấp những kinh nghiệm phong phú giúp cho sau này nhập công nghệ khí hoá huyền phù than Texaco; Năm 80 của thế kỷ XX đã có được một số phát minh trong lĩnh vực khí hoá than U-Gas; giữa kế hoạch 5 năm lần thứ 9 Trung Quốc đã lập dự án phát triển một kiểu lò khí hoá tầng sôi mới (bố trí nhiều cặp vòi phun) thông qua thử nghiệm (22 - 24 tấn than/ngày) để tiến hành khảo nghiệm. Số liệu thử nghiệm chứng tỏ các chỉ số tiêu hao ôxy, tiêu hao than, mức chuyển hoá cacbon, thành phần khí hoá có hiệu quả v.v.... của lò tầng sôi đều tốt hơn công nghệ Texaco, nhờ vậy đã có được bằng phát minh; giữa kế hoạch 5 năm lần thứ 9 Trung Quốc còn lập dự án "hoàn thiện công nghệ (IGCC) tuần hoàn liên hợp khí hoá than (chứa than sạch nhiệt độ cao)", có hơn 10 đơn vị tham gia dự án. Gần 20 năm nay Trung Quốc đã đưa vào 10 lò khí hoá Texaco và lò khí hoá Lurgi; trong nước đã hoàn thành phần thiết kế, lắp ráp và vận hành nên đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm phong phú. Ngoài ra còn tiến hành công tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học khí hoá than trong tầng sôi, đốt than và huyền phù than, hỗn hợp với hai pha sôi, truyền nhiệt, thành phần hoá học than, phản ứng khí hoá, hình thái của than, than nghiền và sấy khô, khử lưu huỳnh và khở bụi ở nhiệt độ cao v.v... và ứng dụng vào thực tế. Hiện nay Nhà nước đã giám định lò khí hoá tầng sôi kiểu nhiều cấp vòi phun, từ triển khai cấp liệu vào lò bằng huyền phù than đến than cám khô, xây dựng lò thử nghiệm với năng suất xử lý 100 tấn than/ngày, đặt cơ sở cho quy mô thương mại (2000 - 3000 tấn than/ngày). Công nghệ này có tính đa dụng tương đối lớn đối với các loại than (đặc biệt là than lưu huỳnh cao, độ hạt đa dạng, thể tích lớn), áp suất tăng, hiệu quả cao, có ưu thế về độ sạch, thích hợp với tình hình tài nguyên năng lượng của Trung Quốc, có năng lực cạnh tranh với công nghệ tiên tiến của thế giới.

(Nguồn: KHCNM)

Công nghệ chuyển hóa than thành nhiên liệu lỏng


Trong bối cảnh tình hình ở Trung Đông diễn biến hết sức phức tạp và những xáo trộn chính trị ở một số nước sản xuất dầu mỏ, trong khi giá dầu mỏ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua, vấn đề an toàn năng lượng đang trở thành một đề tài nổi cộm hiện nay trên diễn đàn quốc tế và nhiều nước đã phải tính đến các nguồn năng lượng thay thế.

Mới đây, Trung Quốc đã ký kết với Hãng SASOL, một công ty năng lượng và hóa chất của Nam Phi, về việc xây dựng hai nhà máy chuyển hóa than thành nhiên liệu lỏng. Theo báo cáo, với chi phí 3 tỷ USD cho mỗi nhà máy, các nhà máy này có tổng công suất sản xuất 60 triệu tấn nhiên liệu lỏng (440 triệu thùng)/năm. Chính phủ Trung Quốc hy vọng, hai nhà máy này sẽ góp phần quan trọng giúp Trung Quốc kiểm soát tình hình năng lượng trong nước, mặc dù nhu cầu về năng lượng ở nước này vẫn đang tăng nhanh.

Chi phí nguyên liệu thô và chi phí vốn cho một thùng nhiên liệu này sẽ giảm xuống dưới 10 USD và cộng với các chi phí khác nữa cũng sẽ không đưa tổng chi phí sản xuất lên quá 15 USD/thùng. Nếu như những thông tin về chi phí và công suất của SASOL chính xác, thì thật sự đây là một bước đột phá. Chi phí của SASOL thấp hơn nhiều so với các công nghệ tương tự hiện nay của Mỹ. Một nhà máy thử nghiệm tại Pennsylvania có chi phí hơn 300 triệu USD để sản xuất ra 250.000 tấn/năm, tức là, theo tính toán, chi phí để tạo ra một tấn nhiên liệu của nhà máy này cao gấp 10 lần so với chi phí tại nhà máy của SASOL ở Trung Quốc.

Được biết, trữ lượng than trên thế giới hiện nay là 1.000 tỷ tấn. Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Ukraine, Đức, Ba Lan, Nam Phi, Mỹ, Australia, có trữ lượng than rất lớn và có thể khai thác được tối thiểu một trăm năm nữa với tốc độ khai thác như hiện nay. Tuy nhiên, sử dụng than có mức độ ô nhiễm cao nếu như than được đốt trực tiếp. Công nghệ SASOL, hay còn gọi là Quy trình Fischer-Tropsch thế hệ thứ ba, đã được phát triển từ lâu tại Đức. Tuy nhiên, trong thời gian qua, loại nhiên liệu này đã không thể cạnh tranh được về giá cả với dầu thô.

Vấn đề thực tế hiện nay là liệu các nhà máy này có thể được xây dựng và tạo ra nguồn năng lượng đó một cách ổn định với giá dưới 20 USD/thùng hay không. Hiện tại, SASOL đã sản xuất được 150.000 thùng/ngày. Mỗi nhà máy sản xuất than hóa lỏng tại Trung Quốc sẽ có công suất lớn gấp 4 lần nhà máy hiện tại của SASOL. Nếu SASOL có thể xây dựng được các nhà máy lớn hơn hoạt động với chi phí như đã nêu, thì công nghệ này có thể được áp dụng ở nhiều nước khác - những nước đang lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ chuyển than thành nhiên liệu lỏng được coi là một vấn đề quan trọng trong chương trình an ninh năng lượng. Công nghệ này sẽ góp phần vào sự ổn định giá dầu mỏ, ổn định nền kinh tế toàn cầu.

(Nguồn: ĐT)


Công nghệ hoá dầu mới: Lời giải cho vấn đề năng lượng thế giới


Khi nổ ra chiến tranh ở Irắc, vấn đề dầu lửa thế giới lại trở thành một mối quan tâm lớn. Các tập đoàn dầu lửa lớn trên thế giới như Shell đã dự báo ngày thế giới sẽ cạn kiệt trữ lượng dầu lửa nên đã phát minh ra một số công nghệ chuyển đổi từ khí tự nhiên thành dầu diesel. Một mô hình lọc dầu kiểu mới đã xuất hiện sẽ cứu thế giới khỏi nguy cơ không có chất đốt.

Một phương pháp từng bị quên lãng

Một giải pháp thay thế cho dầu lửa ít gây ô nhiễm, tương đối rẻ và không cần phải thay đổi các loại động cơ hiện hành - đó là sự chuyển đổi khí tự nhiên thành dầu diesel bằng phương trình phản ứng hoá học của nhà hoá học nổi tiếng người Đức, Fischir-Tropsch. Có thể nói phương pháp này đã bị bỏ quên từ rất lâu bây giờ nổi lên như một giải pháp cho vấn đề năng lượng của nhân loại, đang được các tập đoàn hoá dầu lớn trên thế giới để ý tới. Mới đây Tập đoàn dầu lửa Shell thông báo đầu tư 6 tỷ đôla trong vòng 6 năm để phát triển công nghệ mới này. Hiện nay tập đoàn này đã cho xây dựng một nhà máy tại Malaysia và sẽ xây dựng một nhà máy khác nữa tại Hy Lạp, đồng thời phát triển các dự án lớn tại Triniad (Iran), Syria và Indonesia. Trong khi đó, Tập đoàn Syntroleum đang triển khai các dự án của mình tại Úc, Trung Quốc và bang California (Mỹ) cho khách hàng của mình là BP, Amoco hay Texaco. Bên cạnh đó, Sasol cũng đã có một nhà máy sản xuất dầu diesel từ khí tự nhiên tại Nam Phi; dự tính tập đoàn này sẽ phối hợp với Tập đoàn Chevrron để xây dựng một số nhà máy tương tự ở Nigerie.

Sở dĩ có sự bùng phát như vậy là do thế giới đang phải đối đầu với nguy cơ khủng hoảng năng lượng một lần nữa, mà theo các chuyên gia về dầu lửa, nền kinh tế thế giới sẽ khó khăn mà đứng dậy được nếu không có một giải pháp năng lượng khác. Mặc dù rất khó có thể đánh giá chính xác trữ lượng dầu thế giới còn bao nhiêu, nhưng theo Jean Laherrehe, nhà địa chất thuộc Văn phòng kế hoạch Liên hiệp quốc, sản lượng dầu thế giới sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2005 và sau đó bắt đầu giảm. Do đó, trong khi khai thác các mỏ khí tự nhiên sau khi chuyển đổi khí metan thành chất đốt hoá lỏng, các tập đoàn dầu lửa dường như đã tìm được lối ra cho vấn đề năng lượng thế giới. Sản lượng khai thác khí tự nhiên sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2015.

Than đá và khí đốt sẽ thay thế dầu mỏ?

Tuy nhiên, tại sao trước đây người ta lại không nghĩ tới giải pháp này trong khi nó đã xuất hiện từ trên nửa thế kỷ nay? Giới chuyên gia cho rằng, đó có thể là do lịch sử. Được hai người Đức phát hiện từ trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, phương trình phản ứng hoá học Fischer-Tropsch được coi như một sự chuộc lỗi của nước Đức với thế giới và được người Nam Phi phát triển.

Trong những năm 30 của thế kỷ trước, hai nhà khoa học người Đức đã phát triển một phương pháp cho phép thu được các hydrocarbure từ hydro và oxits carbon. Do nước Đức có rất ít dầu mỏ, nhưng họ lại có rất nhiều oxít carbon dưới dạng các mỏ than đá, vì vậy mà phương trình phản ứng của hai nhà bác học này vô hình chung đã giúp cho quân đội phát xít yên tâm về vấn đề năng lượng mà bọn chúng sẽ gặp phải trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1944, Đức cho xây dựng 9 nhà máy sản xuất dầu diesel từ than đá. Các nhà máy này mỗi năm có thể sản xuất 7 triệu tấn dầu ma-zút, chủ yếu cung cấp cho quân đội phát xít. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, việc trao đổi thương mại giữa các nước trở nên dễ dàng hơn, dầu lửa từ các nước Trung Đông thừa thãi, do đó phần lớn các nhà máy này bị phá huỷ.

Đến năm 1950, Nam Phi bắt đầu sử dụng lại những nghiên cứu trên để xây dựng các nhà máy kiểu này do phải chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên hiệp quốc cấm nước này nhập khẩu dầu hoả. Nhà máy chế biến dầu diesel từ than đá đầu tiên có tên Fischer-Tropsch được xây dựng năm 1955 về phía Nam thủ đô Johannesburg, kế đến là 2 nhà máy khác cũng được khởi công xây dựng vào năm 1980 và 1982. Nhờ vậy, dầu tổng hợp này có thể thay thế hơn một nửa nhu cầu dầu cần thiết của Nam Phi.

Hiện nay, các tập đoàn hoá dầu lớn trên thế giới đều sử dụng lại phương pháp này, nhưng không bắt nguồn từ than đá, vì chi phí rất cao, mà họ lại quan tâm đến một nguồn trữ lượng khổng lồ khí tự nhiên có thể khai thác với giá thành rẻ hơn nhiều. Thực tế ở một số quốc gia, khí tự nhiên đang bị đốt một cách lãng phí. Nếu như từ trên vệ tinh nhìn xuống các vùng biển Nam bán cầu, khu vực sa mạc Saharia, khu châu thổ Niger sáng rực như những thành phố về đêm. Cuộc khủng hoảng và những nguy cơ cạn kiệt các vỉa dầu lửa đã khiến các tập đoàn hoá dầu phải moi lại những đống hồ sơ phương trình phản ứng của Fischer - Tropsch. Họ đã đưa phương trình này vào một phương thức có tên Gas to Liquids (hoá lỏng khí). Quá trình chuyển hoá này được chia làm 3 giai đoạn: sản xuất khí tổng hợp, cho phản ứng theo công thức hoá học của Fischer-Tropsch và tinh chế dầu mỏ nhờ hdyro.

Thà tốn kém còn hơn không có chất đốt!

Để thu được dầu diesel, trước hết cần phải làm giàu khí tự nhiên bằng oxy. Giai đoạn tổng hợp đầu tiên này chiếm gần một nửa tổng chi phí sản xuất khí hoá lỏng. Nguyên tắc sản xuất tương đối đơn giản. Khí tự nhiên sau khi được khai thác sẽ bị oxy hoá khử trong một bình chứa có nhiệt độ từ 1.300 - 1.500oC, áp suất trên 70 bar. Oxy sẽ tách nitơ và các chất khác bằng hiện tượng đông lạnh không khí. Sử dụng trực tiếp không khí mà không tách các chất thành phần có thể cho phép giảm đáng kể chi phí để xây dựng một nhà máy sản xuất dầu diesel. Để sử dụng trực tiếp không khí tự nhiên, chỉ cần một số thiết bị lọc - các miếng lưới đặc biệt. Các loại lưới lọc này chỉ cho phép oxy dưới dạng ion đi qua. Như vậy bằng cách tách không khí ra một bên, còn khí metan một bên, phương trình phản ứng có thể xảy ra. Oxy đi qua lớp màng lọc tác dụng với khí metan tạo thành khí tự nhiên tổng hợp. Hiện nay có rất nhiều nhóm nghiên cứu thuộc nhiều tổ chức, công ty khác nhau sử dụng phương pháp này như Tập đoàn Chevron, BP, các trường đại học ở Alaska, Pennsylvania, Mỹ. Công ty Syntroleum hiện đang sử dụng trực tiếp không khí, trong khi các tập đoàn hoá dầu khác hiện vẫn rất thận trọng với phương pháp này: nitơ trong không khí không thể loại hết, đồng thời sự có mặt của chất khí này không những kéo theo những tổn thất kinh tế mà còn gây hại cho môi trường. Thực vậy, nitơ sẽ làm xáo trộn quá trình tiến hành chuyển hoá khí tự nhiên thành dầu diesel. Do vậy bằng mọi cách phải loại bỏ chúng.

Sau khi có được khí tổng hợp, cần cho chúng tác dụng theo phương trình của Fischer-Tropsch. Đó là phương trình tác động giữa oxít carbon và hydro để tạo ra các chuỗi parafin dài có khối lượng phân tử cao. Như vậy người ta sẽ thu được các phân tử cao. Như vậy người ta sẽ thu được các phân tử có chứa tới hàng trăm nguyên tử carbon. Phản ứng này đòi hỏi phải có một chất xúc tác, kích thích các thành tố của khí đốt tổng hợp gặp nhau và liên kết hoá học với nhau. Chất xúc tác này phải phản ứng lên quá trình tổng hợp mà không phá huỷ nó. Hiện nay một số tập đoàn hoá dầu đang sử dụng sắt hay cobalt như chất xúc tác, trong khi nhiều tập đoàn khác của Mỹ đang thử thay đổi chúng. Trong trường hợp có sự thay đổi chất xúc tác, người ta thường cho thêm các chất hoá học khác có hoạt tính cao, nhưng các chất này rất đắt, chẳng hạn như 2 chất xúc tác đắt nhất hiện nay là ruteni và rođi. Hiện nay, các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực này đang cố gắng tìm ra một chất xúc tác hợp lý nhất, rẻ hơn.

Đến đây, giai đoạn sản xuất dầu diesel trở nên đơn giản. Chuỗi parafin sẽ được phân tích chuyển hoá thành nhiều sản phẩm chất lượng cao, như dầu diesel hay dầu hoả nhờ vào một phản ứng hoá học đơn giản: tác dụng với hydro. Các chuỗi này rất dễ bị bẻ gãy và chuyển thành các sản phẩm nhẹ hơn. Theo Nicolas Bouton, chuyên gia ứng dụng hoá học phân tích cho 3 tập đoàn Shell, Exxon và Mobil, một phân tử nặng giống như một chiếc đũa gỗ dài rất mong manh và dễ vỡ. Một chất đốt chất lượng là một chất phải bao gồm một hỗn hợp các phân tử nhẹ nhất, chứa 30 - 40 nguyên tử carbon. Chỉ với một nguyên tử carbon, khí metan rất dễ bay hơi và dễ dự trữ. Còn các phân tử gồm hàng trăm nguyên tử carbon rất nặng và không thể chuyển hoá thành khí ngay cả khi người ta đem đốt nó.

Hiện nay, giá thành phẩm của dầu diesel chế biến từ khí tự nhiên cao hơn dầu diesel sản xuất từ dầu hoả. Nhưng xét trên phương diện kinh tế, quá trình hoá lỏng khí sớm muộn sẽ trở nên hấp dẫn và sản phẩm sẽ được tiêu thụ chủ yếu trên thị trường nội địa vì việc vận chuyển nó rất khó.

Khí hoá lỏng cũng có một ưu điểm khác về môi trường, vì được sản xuất từ khí tự nhiên tương đối sạch, chỉ gồm metan và một số khí khác. Trong khi đó dầu lửa chứa rất nhiều phân tử khác nhau sau phản ứng Fischer - Tropsch. Kết quả, dầu thu được từ khi không còn chứa lưu huỳnh - chất gây ô nhiễm môi trường nặng, cũng không còn các phân tử mùi thơm, lại giảm được 50% lượng khí oxít carbon thải vào không khí, 60% các phân tử nhỏ khác và 50% khí oxít nitơ. Ưu điểm cuối cùng: dầu ma-zút sản xuất từ khí hoá lỏng không gây khó khăn cho người sử dụng, vì các động cơ diesel hiện nay vẫn có thể sử dụng sản phẩm mới này một cách bình thường.

Hiện nay chỉ còn duy nhất Tập đoàn TotalFinaElf của Pháp là chưa sử dụng phương pháp mới này, nhưng theo Thomas Fell, nhà phát ngôn của tập đoàn này, đến một ngày nào đó TotalFinaElf buộc phải ứng dụng giải pháp mới trên, khi mà trữ lượng dầu lửa trên thế giới giảm khiến giá dầu tăng cao. Không cần phải đợi tới lúc đó, những tiến bộ kỹ thuật, các cải tiến đặc biệt liên quan đến việc nghiên cứu các chất xúc tác có thể làm giảm mạnh giá dầu ma-zút.

(Nguồn: QLNĐ)