Monday, August 22, 2005

Đánh dấu đồng vị phóng xạ để khảo sát các mỏ dầu



Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã vượt qua các nhà thầu quốc tế và được chọn để thực hiện một công nghệ quan trọng trong khai thác dầu khí ở mỏ Sư Tử Đen. Đó là ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ để khảo sát các mỏ dầu. Đây là một ứng dụng rất có ý nghĩa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam và lợi ích kinh tế mang lại từ cách ứng dụng khoa học này là không nhỏ. Ở một mỏ dầu đang được khai thác thì bên cạnh các giếng dầu bao giờ cũng có những giếng bơm ép nguồn nước xuống để đẩy dầu lên

Tiêu chuẩn đưa ra: cứ 1-2 lít nước phải thu được một lít dầu nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng đạt được. Nhiều trường hợp phải tốn nhiều giếng bơm ép nhưng lượng dầu thu được không nhiều. Có nhiều cách để thăm dò mỏ dầu nhưng cho đến nay, kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ vẫn được xem là có ưu thế nhất. Một lượng rất nhỏ chất đồng vị được đưa vào các giếng bơm ép, chúng được dẫn xuống các giếng dầu. Ở những vị trí khác, các nhà khoa học lấy mẫu nước. Qua phân tích, họ sẽ biết được đường đi của dầu trong khu mỏ. Cách làm này cung cấp thông tin về mỏ dầu - vấn đề quan trọng nhất đối với ngành khai thác dầu khí. Kỹ thuật này đã được các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện thành công từ năm 2000 với sự trợ giúp của các nhà khoa học thế giới, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.

Sau khi thực hiện ở mỏ Bạch Hổ, công nghệ đánh dấu đồng vị phóng xạ tiếp tục được thực hiện ở mỏ Rạng Đông và mới đây, vượt qua 5 công ty quốc tế, các nhà khoa học Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã được chọn để thực hiện kỹ thuật tại mỏ Sư Tử Đen. Điều này không chỉ giúp cho ngành dầu khí có được công nghệ phù hợp với đặc thù vùng mỏ Việt Nam, thu được những lợi ích kinh tế mà quan trọng hơn, nó đã khẳng định một bước tiến của khoa học năng lượng nguyên tử nước ta.

Theo tính toán của các nhà khoa học, nguồn lợi từ việc ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ mang lại khoản lợi ở mỗi giếng dầu từ 10-15 triệu USD. Khoản lợi ấy còn lớn hơn khi chính các nhà khoa học Việt Nam thực hiện được công nghệ này. Nếu so với nhiều nước khác, những thành công của khoa học năng lượng nguyên tử ở Việt Nam là chưa nhiều, nhưng với cách đi đúng hướng, một số kết quả nghiên cứu ứng dụng hạt nhân đã được áp dụng có hiệu quả cao vào sản xuất và đời sống.

(Nguồn: TN&MT)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home