Monday, August 22, 2005

Công nghệ chuyển hóa than thành nhiên liệu lỏng


Trong bối cảnh tình hình ở Trung Đông diễn biến hết sức phức tạp và những xáo trộn chính trị ở một số nước sản xuất dầu mỏ, trong khi giá dầu mỏ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua, vấn đề an toàn năng lượng đang trở thành một đề tài nổi cộm hiện nay trên diễn đàn quốc tế và nhiều nước đã phải tính đến các nguồn năng lượng thay thế.

Mới đây, Trung Quốc đã ký kết với Hãng SASOL, một công ty năng lượng và hóa chất của Nam Phi, về việc xây dựng hai nhà máy chuyển hóa than thành nhiên liệu lỏng. Theo báo cáo, với chi phí 3 tỷ USD cho mỗi nhà máy, các nhà máy này có tổng công suất sản xuất 60 triệu tấn nhiên liệu lỏng (440 triệu thùng)/năm. Chính phủ Trung Quốc hy vọng, hai nhà máy này sẽ góp phần quan trọng giúp Trung Quốc kiểm soát tình hình năng lượng trong nước, mặc dù nhu cầu về năng lượng ở nước này vẫn đang tăng nhanh.

Chi phí nguyên liệu thô và chi phí vốn cho một thùng nhiên liệu này sẽ giảm xuống dưới 10 USD và cộng với các chi phí khác nữa cũng sẽ không đưa tổng chi phí sản xuất lên quá 15 USD/thùng. Nếu như những thông tin về chi phí và công suất của SASOL chính xác, thì thật sự đây là một bước đột phá. Chi phí của SASOL thấp hơn nhiều so với các công nghệ tương tự hiện nay của Mỹ. Một nhà máy thử nghiệm tại Pennsylvania có chi phí hơn 300 triệu USD để sản xuất ra 250.000 tấn/năm, tức là, theo tính toán, chi phí để tạo ra một tấn nhiên liệu của nhà máy này cao gấp 10 lần so với chi phí tại nhà máy của SASOL ở Trung Quốc.

Được biết, trữ lượng than trên thế giới hiện nay là 1.000 tỷ tấn. Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Ukraine, Đức, Ba Lan, Nam Phi, Mỹ, Australia, có trữ lượng than rất lớn và có thể khai thác được tối thiểu một trăm năm nữa với tốc độ khai thác như hiện nay. Tuy nhiên, sử dụng than có mức độ ô nhiễm cao nếu như than được đốt trực tiếp. Công nghệ SASOL, hay còn gọi là Quy trình Fischer-Tropsch thế hệ thứ ba, đã được phát triển từ lâu tại Đức. Tuy nhiên, trong thời gian qua, loại nhiên liệu này đã không thể cạnh tranh được về giá cả với dầu thô.

Vấn đề thực tế hiện nay là liệu các nhà máy này có thể được xây dựng và tạo ra nguồn năng lượng đó một cách ổn định với giá dưới 20 USD/thùng hay không. Hiện tại, SASOL đã sản xuất được 150.000 thùng/ngày. Mỗi nhà máy sản xuất than hóa lỏng tại Trung Quốc sẽ có công suất lớn gấp 4 lần nhà máy hiện tại của SASOL. Nếu SASOL có thể xây dựng được các nhà máy lớn hơn hoạt động với chi phí như đã nêu, thì công nghệ này có thể được áp dụng ở nhiều nước khác - những nước đang lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ chuyển than thành nhiên liệu lỏng được coi là một vấn đề quan trọng trong chương trình an ninh năng lượng. Công nghệ này sẽ góp phần vào sự ổn định giá dầu mỏ, ổn định nền kinh tế toàn cầu.

(Nguồn: ĐT)


0 Comments:

Post a Comment

<< Home