Monday, August 07, 2006

Hiểm họa thủy ngân trong công nghệ than nhiệt điện

Hiểm họa thủy ngân trong công nghệ than nhiệt điện

2005.08.17

Đỗ Hiếu & Mai Thanh Truyết, RFA

Hiện tại, trên hầu hết các quốc gia trên thế giới, than đá vẫn là nguồn nguyên liệu chính cung cấp điện năng cho nhu cầu trong nước. So với các nguồn năng lượng khác như năng lượng hạch nhân, thủy điện, và các loại năng lượng sạch như gió, mặt trời, sóng và thủy triều cùng các loại năng lượng tái sinh, năng lượng đến từ than đã tạo ra hai hiểm họa lớn cho nhân loại.

Các công nhân đang di chuyển than trên một chiếc thuyền cập bến tại Sông Cầu ở Bắc Ninh. AFP PHOTO

Đó là khí carbonic, nguyên nhân của sự hâm nóng tòan cầu, và vấn nạn ô nhiễm thủy ngân trong không khí và nguồn nước qua việc xử dụng năng lượng từ than. Trong tạp chí Khoa học & Môi trường kỳ nầy Đỗ Hiếu sẽ thảo luận với Tiến sĩ Mai Thanh Truyết về hiểm họa trên.

Tình hình sử dụng than nhiệt điện

Hỏi : Trước hết xin TS Mai Thanh Truyết cho biết sơ lược về tình hình xử dụng năng lượng từ than nhiệt điện trên thế giới?

Đáp : Hiện tại, than nhiệt điện vẫn còn được xử dụng rộng rãi trên thế giới. Hoa Kỳ là một quốc gia tiến bộ nhất về công nghệ năng lượng, nhưng nhu cầu điện năng do than nhiệt điện vẫn chiếm 52% trên nhu cầu tòan quốc, vì đây là nguồn năng lượng có giá thành rẻ nhất của quốc gia nầy. Tại Âu châu, vì các mỏ than không còn ở mức dự trử dồi dào nữa, do đó đa số các quốc gia nầy như Anh, Pháp, Đức , Ý dần dần chuyển sang việc dùng nguồn năng lượng hạch nhân và nguồn than nhiệt điện chỉ còn chiếm từ 30 đến 40% nhu cầu quốc gia mà thôi.

Ở các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, than nhiệt điện vẫn còn chiếm đa số, nhưng hiện tại hai quốc gia nầy có khuynh hướng xử dụng nguồn thủy điện và hạch nhân.

Riêng tại Việt Nam, thủy điện chiếm 60% nhu cầu trong nước, và than nhiệt điện chiếm 34%. Theo thống kê năm 2002, Việt Nam đã sản xuất 34,5 tỷ Kw/giờ than nhiệt điện, và có trử lượng than là 165 triệu tấn, trong đó tuyệt đại đa số là than anthracite, cho nhiều năng lượng và có hiệu quả kinh tế cao.. Năm 2005, Việt Nam dự trù sản xuất 30 triệu tấn than. Theo ước tính vào năm 2030, tòan thế giới sẽ xử dụng khoảng 1.440 GW (gigawatts); riêng Trung Quốc sẽ tiêu thụ 700 GW từ than nhiệt điện. (1GW = 4,2 kwgiờ).

Hỏi : Ngoài việc phóng thích khí carbonic vào không khí, than nhiệt điện còn có nguy cơ phóng thích khí thủy ngân dưới dạng khí và một số khí độc khác, xin ông cho biết thêm về vấn đề nầy?

Đáp : Trong khí thải hồi từ công nghệ than, ngoài khí carbonic, cần phải kể đến khí sulfur dioxide (SO2), nitrogen oxides, và nhất là thủy ngân dưới dạng khí. Theo ước tính, hàng năm, công nghệ than nhiệt điện của Hoa Kỳ thải hồi vào không khí 48 tấn thủy ngân. Cơ quan Bảo vệ Môi trường HK đã bắt đầu đưa ra định mức để hạn chế lướng thủy ngân phóng thích do công nghệ nầy là 38 tấn cho năm 2010, và giảm xuống còn 15 tấn vào năm 2018. Để khuyến khích việc thi hành định mức nầy, chính phủ HK, tùy theo mức giảm thiểu của từng cơ sở sản xuất, sẽ ấn định mức khen thưởng và giảm thuế.

Hiểu họa thủy ngân đối với con người

Hỏi : Nói đến hiểm họa thủy ngân, trước hết xin TS cho biết thủy ngân ở dạng khí nầy xâm nhập vào cơ thể con người như thế nào?

Đáp : Thưa anh, Thủy ngân ở dạng khí trên sẽ xâm nhập vào đất và nguồn nước. Cây cỏ, rau đậu, củ v.v... hấp thụ thủy ngân qua rễ cây. Và trong nguồn nước, thủy ngân lần lần nhiễm vào tôm cá. Do đó, công nghệ than nhiệt điện nầy có thể làm cho con người sẽ bị tiếp nhiễm thuỷ ngân qua các nguồn thực phẩm trên.

Hỏi : Như vậy sự xâm nhập của thủy ngân vaò cơ thể là điều không thể tránh khỏi và ảnh hưởng của nó lên sức khoẻ như thế nào?

Đáp : Thông thường ở các quốc gia kỹ nghệ, trung bình cơ thể con ngưới hấp thụ qua đường không khí, thực phẩmvà nước vào khoảng 0,3 ug thủy ngân hàng ngày. Một khi đi vào cơ thể, thủy ngân sẽ kết dính vào các tế bào thần kinh chứa nhóm amino acid, đặc biệt là chuổi tế bào nằm ngoài và ở đuôi (axon) các chuổi dây thần kinh vận động. Thời gian bán hủy của thủy ngân trong cơ thể từ 15 đến 30 năm, nghĩa là thủy ngân tích tụ và tồn tại trong cơ thể con người trong thời gian kể trên trước khi tự tiêu hủy.

Tùy theo nồng độ thủy ngân trong cơ thể, con người có thể bị những chứng sau đây:


- Trong giai đọan đầu sẽ bị mất ngũ, dễ bị xúc động, nhức đầu, mắt không nhìn thấy rõ và bị nhiễu loạn, phản ứng con người chậm lại so với thời gian không bị nhiễm.
- Khi bị nhiễm nặng và thủy ngân tích tụ lâu ngày trong cơ thể, thận bị hư, cột sống cũng bị ảnh hưởng, bị bịnh Alzheimer, tuyến giáp trạng (thyroid) bị liệt, hệ thống miễn nhiễm bị nhiểu loạn.
- Riêng đối với phụ nữ, có thể bị triệt sản và có bướu ở buồng trứng. Trong thời gian có mang, hệ thần kinh của thai nhi có thể bị rối loạn.

Các phương cách giảm thiểu

Hỏi : Đứng trước nguy cơ TS vừa nêu trên, nhân loại có phương cách nào để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ than nhiệt điện nầy không, thưa TS?

Đáp : Có hai cách thưa anh. Một là giảm thiểu việc xử dụng năng lượng từ than, và thay thế vào đó bằng những loại năng lượng sạch. Hai là phải chuyển đổi công nghệ than nhiệt điện bằng một công nghệ sạch hơn để hạn chế lượng khí thải vào không khí. Cũng trên Tạp chí nầy cách đây vài tháng, chúng tôi có đến công nghệ than nhiệt điện sạch để thay thế công nghệ cổ điển. Chí phí xây dựng cho công nghệ mới nầy chỉ cao hơn đôi chút so với công nghệ cổ điển là 1.200 Mỹ kim cho 1 KW so với 1.100$. Tuy nhiên giá thành sẽ tăng gấp đôi.

Về lượng khí thải hồi trong công nghệ sạch nầy, khí carbonic và thủy ngân sẽ dễ dàng được thu hồi lại trước khi được phát thải vào không khí. Do đó, để đổi lại, mức an tòan sức khoẻ của con người sẽ được tăng cao và chi phí dành cho việc chửa trị vì ảnh hưởng của thủy ngân sẽ giảm nhiều.

Hỏi : Trên thế giới có nơi nào đã áp dụng công nghệ sạnh nầy không thưa TS?

Đáp : Dạ có thưa anh. HK đang ráo riết chuyển đổi công nghệ hiện có ra công nghệ sạch nầy với mục đích nhằm thoả mãn định mức của Cơ quan Bảo vệ Môi trường đề ra. Tuy nhiên, định mức nầy cũng không được các tiểu bang tuân thủ vì hiện tại chính phủ liên bang vẫn chưa có biện pháp xử lý thích đáng.

Tuy nhiên, tiểu bang New Jersey đã thực hiện được việc trên bằng cách bắt buộc các nhà máy năng lượng từ than phải giảm bớt 90% lượng thủy ngân phóng thích vào năm 2007. Hoa Kỳ đã dự chi 2 tỷ Mỹ kim để nghiên cứu thiết lập công nghệ mới nầy cũng như hệ thống thu hồi các khí phát thải trong đó có thủy ngân.

Trường hợp Việt Nam

Hỏi : Còn Việt Nam thì sao? Với 34% năng lượng tiêu dùng tòan quốc từ than nhiệt điện, Việt Nam có dự kiến gì không thưa TS?

Đáp : Mặc dù năng lượng than nhiệt điện chỉ chiếm 34%, nhưng đa số người dân vẫn còn thói quen, hay do điều kiện kinh tế không cho phép vẫn dùng than cho việc nấu nướng. Tuy không có thống kê chính thức, nhưng thực tế cho thấy số lượng than dùng cho công việc nầy cũng không kém so với số lượng than dùng cho các nhà máy nhiệt điện. Do đó, thiết nghĩ Việt Nam cần giải quyết hai vấn đề căn bản để có thể giảm thiểu hiểm hoạ thủy ngân trong việc dùng than là:

- Khuyến cáo người dân dùng năng lượng khác hơn ngoài than trong sinh hoạt nấu nướng hàng ngày;
- Chuyển đổi công nghệ than nhiệt điện hiện có bằng một công nghệ sạch.

Đối với giải pháp 2, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc cải tiến kỹ thuật để đạt đến công nghệ sạch như đầu tư nhân lực và tài lực trong công việc trên. Từ na 2004, Việt Nam đã dành một ngân khoản 930 triệu Mỹ kim cho việc nghiên cứu quản lý sản xuất than hiệu quả hơn, cũng như tân trang và hiện đại hóa kỹ thuật. Ngoài ra, Việt Nam còn có dự kiến xây dưng mô hình nhà máy năng lượng than nhiệt điện bằng công nghệ sạch ở Nạ Dương, Cẩm Phá, An Hóa, và Sơn Đông.

Nếu thực hiện được những cải tiến như đã dự trù, nguy cơ bị nhiễm độc thủy ngân của người dân trong công nghệ than nhiệt điện sẽ được giảm thiểu nhiều hơn và chi phí y tế dành cho việc chửa trị sẽ được dùng vào các dịch vụ bảo vệ môi trường trong các lãnh vực khác.

TS Mai Thanh Truyết: Kính chào Quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết.